Ngày 28/7, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư Số 03/2020/TT-BXD, quy định về hồ sơ thiết kế kiến trúc và mẫu chứng chỉ hành nghề kiến trúc, áp dụng với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động thiết kế kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/202020.
Theo Thông tư 03/2020/TT-BXD, hồ sơ thiết kế kiến trúc là thành phần của hồ sơ thiết kế xây dựng được thực hiện thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Xây dựng.
Hồ sơ thiết kế kiến trúc bao gồm các loại: Hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ (là nội dung kiến trúc trong thiết kế sơ bộ ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi); Hồ sơ thiết kế kiến trúc cơ sở (là nội dung kiến trúc trong thiết kế cơ sở ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi); Thiết kế kiến trúc kỹ thuật (là nội dung kiến trúc trong thiết kế kỹ thuật ở giai đoạn sau thiết kế cơ sở); Thiết kế kiến trúc bản vẽ thi công (là nội dung kiến trúc trong thiết kế bản vẽ thi công ở giai đoạn sau thiết kế cơ sở).
Các hồ sơ thiết kế kiến trúc ở các bước thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế, tương ứng với các bước thiết kế xây dựng do người quyết định đầu tư quyết định khi quyết định đầu tư dự án.
Hồ sơ thiết kế kiến trúc trong dự án đầu tư xây dựng công trình đặc thù thực hiện theo quy định tại Luật Xây dựng. Hồ sơ thiết kế kiến trúc trong đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, thiết kế đô thị được thực hiện theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị.
Về nội dung hồ sơ thiết kế kiến trúc, Thông tư 03/2020/TT-BXD quy định gồm các thành phần bản vẽ và thuyết minh. Hồ sơ thiết kế kiến trúc phải đảm bảo các yêu cầu: Quy cách, tỷ lệ bản vẽ theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5671:2012 về hệ thống tài liệu thiết kế xây dựng - hồ sơ thiết kế kiến trúc; Khung tên bản vẽ phải tuân thủ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5571:2021 về hệ thống tài liệu thiết kế xây dựng - bản vẽ xây dựng - khung tên.
Cá nhân chịu trách nhiệm về chuyên môn kiến trúc của tổ chức, người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền phải ký, đóng dấu của nhà thầu thiết kế theo quy định.
Chủ nhiệm thiết kế được ghi tên trong hồ sơ thiết kế phải đảm bảo: Trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ thiết kế, có chuyên môn và chịu trách nhiệm cao nhất về nội dung và chất lượng của thiết kế kiến trúc, kiểm soát các bộ môn để phối hợp, thống nhất với kiến trúc. Chủ nhiệm thiết kế có thể là tác giả phương án kiến trúc hoặc người trực tiếp tổ chức thực hiện ý tưởng của tác giả.
Chủ trì thiết kế kiến trúc được ghi tên trong hồ sơ thiết kế phải đảm bảo: Đủ năng lực được giao chủ trì thiết kế kiến trúc công trình hoặc chủ trì thẩm tra thiết kế kiến trúc, chịu trách nhiệm về nội dung của thiết kế kiến trúc. Chủ trì có thể thay thế vai trò chủ nhiệm nếu được chủ nhiệm ủy quyền.
Thông tư 03/2020/TT-BXD đồng thời quy định chi tiết Hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ; Hồ sơ thiết kế kiến trúc cơ sở; Hồ sơ thiết kế kiến trúc kỹ thuật; Hồ sơ thiết kế kiến trúc bản vẽ thi công; Hồ sơ thiết kế nội thất; Hồ sơ thiết kế ngoại thất, kiến trúc cảnh quan.
Đặc biệt, Thông tư 03/2020/TT-BXD quy định mẫu và nội dung chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Theo đó, nội dung chủ yếu của chứng chỉ hành nghề kiến trúc bao gồm: Thông tin cơ bản của cá nhân được cấp chứng chỉ (ảnh cỡ 4x6cm, họ và tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước hoặc hộ chiếu); Tên cơ quan cấp, chữ ký và đóng dấu; Lĩnh vực hành nghề và thời hạn hành nghề đối với từng lĩnh vực được cấp. Chứng chỉ hành nghề có quy cách và nội dung chủ yếu theo mẫu tại Phụ lục II kèm theo Thông tư.
Số chứng chỉ hành nghề gồm 02 nhóm ký hiệu, được nối với nhau bằng dấu gạch ngang (-). Trong đó, nhóm thứ nhất có 03 ký tự thể hiện nơi cấp chứng chỉ theo quy định tại Phụ lục I Thông tư. Nhóm thứ hai là mã số chứng chỉ hành nghề.
Đối với hồ sơ thiết kế kiến trúc của các dự án đầu tư xây dựng đã được ký hợp đồng thiết kế xây dựng trước ngày Thông tư 03/2020/TT-BXD có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng thiết kế.
Mẫu chứng chỉ hành nghề kiến trúc 1
Mẫu chứng chỉ hành nghề kiến trúc 2
Theo Báo Xây Dựng